Tính linh hoạt của FLOW khi sử dụng trong hệ thống lưu trữ truyền thống
Tiếp nối bài viết giới thiệu phương pháp ghi chú FLOW trong Obsidian, mời bạn theo dõi bài viết tiếp theo trong series chia sẻ về phương pháp FLOW – hệ thống quản lý tri thức toàn diện.
Phương pháp FLOW không chỉ giúp người dùng tổ chức thông tin và phát triển ý tưởng một cách có hệ thống trong môi trường quản lý tri thức cá nhân (Personal Knowledge Management – PKM) như Obsidian, mà còn có khả năng hoạt động linh hoạt ngay cả khi các công cụ hỗ trợ nâng cao như properties, wikilink, và tags không có sẵn. Điều này đặc biệt hữu ích khi người dùng sử dụng các nền tảng lưu trữ truyền thống như ổ đĩa cục bộ, Google Drive, OneDrive, Dropbox, hoặc thậm chí GitHub để quản lý và chỉnh sửa ghi chú.
Dưới đây là phân tích chi tiết về cách FLOW vẫn giữ được tính tổ chức và hiệu quả ngay cả khi người dùng làm việc với các hệ thống lưu trữ truyền thống mà không phụ thuộc vào các tính năng động của PKM hiện đại.
1. Cấu trúc thư mục của phương pháp ghi chú FLOW – Nền tảng tổ chức vững chắc
Một trong những điểm mạnh của FLOW là sử dụng hệ thống thư mục cố định (hard directories) để phân loại và tổ chức thông tin. Các thư mục như Capture, Track, Forge, Blueprint, Exhibit, và Vault đều có vai trò cụ thể và rõ ràng, giúp người dùng dễ dàng hiểu và tìm thấy thông tin một cách có hệ thống.
- Capture (Ghi lại ý tưởng): Nơi lưu trữ các ý tưởng thô, thông tin chưa qua xử lý.
- Track (Theo dõi): Ghi lại nhật ký hoạt động, theo dõi công việc, cảm xúc, vv.
- Forge (Rèn dũa): Không gian phát triển và tinh chỉnh ý tưởng.
- Blueprint (Bản vẽ): Sơ đồ nội dung hoặc quản lý dự án, tổng hợp thông tin quan trọng.
- Exhibit (Trưng bày): Lưu trữ các sản phẩm hoàn thiện hoặc tài liệu đã qua xử lý.
- Vault (Kho bí mật): Nơi chứa các cấu hình hệ thống, thư mục tệp đính kèm, mẫu ghi chú (template), hoặc tài liệu không còn hoạt động nhưng vẫn có giá trị tham khảo.
Dù không có tags, wikilink, và properties, cấu trúc thư mục này giúp người dùng dễ dàng tổ chức và truy cập thông tin khi sử dụng các hệ thống lưu trữ truyền thống. Bởi vì mỗi thư mục đã có vai trò rõ ràng, việc duyệt qua các thư mục vẫn đảm bảo người dùng tìm được thông tin một cách logic và hiệu quả.
Lợi ích của việc sử dụng thư mục cố định trong hệ thống lưu trữ truyền thống:
- Người dùng có thể dễ dàng duyệt qua các thư mục trên Google Drive, OneDrive, Dropbox, hay ổ đĩa cục bộ mà không bị rối loạn hoặc quá tải thông tin.
- Cấu trúc phân cấp rõ ràng giúp tránh sự lộn xộn, đồng thời đảm bảo mọi thông tin đều có chỗ của nó.
- Mỗi thư mục đại diện cho một giai đoạn phát triển của ý tưởng hoặc dự án, giúp người dùng theo dõi và quản lý tiến độ mà không cần đến tính năng truy vấn dựa trên cơ sở dữ liệu trong Obsidian.
2. Khả năng hoạt động trên các nền tảng lưu trữ đám mây và ổ đĩa cục bộ
Google Drive, OneDrive, Dropbox, Github:
Khi lưu trữ các ghi chú của bạn trên Google Drive, OneDrive, Dropbox, Github ..vv, bạn có thể truy cập và chỉnh sửa chúng bằng các trình soạn thảo văn bản như Google Docs, Microsoft Word, trình soạn thảo trên web và mobile của Github hoặc thậm chí là Notepad trên Windows (TexEdit trên macOS**)**. Dù các nền tảng này không hỗ trợ các tính năng đặc thù của Obsidian như wikilink hay properties, nhưng do sử dụng cấu trúc thư mục, người dùng vẫn có thể thực hiện các thao tác xuyên suốt với FLOW:
- Mở và chỉnh sửa ghi chú một cách dễ dàng qua web ngay lập tức mà không cần chờ đồng bộ dữ liệu về thiết bị di động hoặc máy tính phụ cài Obsidian.
Khi chỉ cần xem và ghi chú nhanh thuần văn bản, bạn có thể mở trực tiếp file với OneDrive. Cấu trúc thư mục cho bạn duyệt tìm ghi chú nhanh chóng.
- Duyệt qua thư mục theo cấu trúc thư mục cố định của FLOW, đảm bảo mỗi ghi chú đều nằm đúng nơi cần thiết.
- Quản lý ghi chú theo giai đoạn hoàn thiện bằng cách sắp xếp theo thư mục, giúp dễ dàng nắm bắt vị trí và trạng thái của các ghi chú ngay cả khi không sử dụng các tính năng như tags.